Liên kết web
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Quá trình hình thành và phát triển của Công đoàn Bạc Liêu

Lịch sử Công đoàn Bạc Liêu
Thứ sáu, 29/05/2020, 14:26
Màu chữ Cỡ chữ
Quá trình hình thành và phát triển của Công đoàn Bạc Liêu

Sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập (ngày 01/01/1997), kế thừa và phát huy những thành tựu quí báu của Công đoàn Minh Hải, Công đoàn Bạc Liêu sớm được ổn định. Ban chấp hành lâm thời LĐLĐ tỉnh khi chia tách được thành lập có 15 đồng chí, với số lượng chưa đến 14 ngàn đoàn viên, hoạt động trong 352 CĐCS, cán bộ công đoàn còn thiếu, một bộ phận còn yếu, chưa kinh qua công tác công đoàn, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và đời sống sinh hoạt của một bộ phận CNVCLĐ còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh trên tinh thần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Minh Hải và những bài học kinh nghiệm quí báu trong công tác hoạt động công đoàn, sau thời gian ngắn Công đoàn Bạc Liêu đã được củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức và cơ quan làm việc, nhanh chóng đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình và từng bước được phát huy, bước đầu giành được những kết quả quan trọng, từ đó tạo được uy tín, vị thế và phát triển đi lên. Đến nay đã nâng tổng số đoàn viên lên trên 26 ngàn, sinh hoạt trong 679 công đoàn cơ sở ở các thành phần kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh; kết quả xây dựng CĐCS vững mạnh năm sau cao hơn năm trước, chất lượng ngày càng cao, năm 1997 tỷ lệ CĐCS vững mạnh đạt xấp xỉ 65%, đến năm 2013 (Đại hội IX CĐBL) CĐCS vững mạnh và vững mạnh xuất sắc tăng lên 96,15%, trong đó CĐCS VMXS đạt 80,32%.

Quá trình hơn 15 năm củng cố xây dựng và phát triển, cán bộ, CNVCLĐ tỉnh Bạc Liêu với truyền thống đoàn kết, vượt khó, dám nghĩ dám làm, trên tinh thần tự lực tự cường, đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, tranh thủ điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC và người lao động. Hoạt động và phát triển của Công đoàn tỉnh Bạc Liêu từ khi tách tỉnh đến nay đã trải qua 04 kỳ Đại hội, từ Đại hội VI đến Đại hội lần thứ IX đã xác định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu luôn bám chặt vào đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, gắn liền vào công cuộc đổi mới và phát triển của tỉnh nhà. Góp phần tích cực trong thực việc hiện CNH nông nghiệp và phát triển nông thôn; tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng; tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi; góp phần nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ cho CNVCLĐ; củng cố, xây dựng CĐCS ngày càng tăng về số lượng, vững mạnh về chất lượng.

Tại Đại hội IX Công đoàn tỉnh Bạc Liêu đã đánh giá kết thành tích đạt được và những tồn tại, hạn chế trong hoạt động công đoàn trong thời gian qua thể hiện trên một số mặt tiêu biểu như sau:

Công tác đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ:

Trong những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Bạc Liêu chủ động và tích cực tổ chức nhiều hình thức nhằm phát huy trí tuệ, tập hợp ý kiến của đoàn viên và người lao động để tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật, các chính sách của Đảng và nhà nước có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ như: Luật cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Bảo hiểm xã hội; Bộ Luật lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi)… tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng cho việc chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và sự phát triển của tổ chức công đoàn. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền giúp công nhân lao động nhận thức đầy đủ, đúng đắn và ủng hộ việc thực hiện quá trình tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và tham gia giải quyết những vướng mắc từ cơ sở, nhất là giải quyết chính sách số lao động dôi dư, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, chất lượng hoạt động công đoàn cũng được nâng lên.

Chủ động phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, qua theo dõi hàng năm có hơn 97% cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức; 61% doanh nghiệp tổ chức Đại hội công nhân viên chức và Hội nghị người lao động theo các Nghị định 71, 07 và 87 của Chính phủ. Đặc biệt là, qua thực hiện quy chế dân chủ đã phát huy được quyền làm chủ thực sự của CNVCLĐ trong việc xây dựng, phát triển cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tổ chức công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động ký kết quy chế, chương trình phối hợp hoạt động hàng năm; hơn 60% doanh nghiệp ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể, trong đó nhiều doanh nghiệp quy định các điều, khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động. Đồng thời, hàng năm, Công đoàn Bạc Liêu phối hợp với đội kiểm tra liên ngành của tỉnh và công đoàn các cấp trong tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành tổ chức hàng chục cuộc kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, gắn với tuyên truyền thực hiện tốt Chỉ thị số 22/CT-TT ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Ngoài ra, Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp giải quyết và tham gia giải quyết trên 700 đơn thư khiếu nại, khiếu tố và tư vấn pháp luật miễn phí cho gần 240 lượt CNVCLĐ.

Đặc biệt, vận động CNVCLĐ thực hành tiết kiệm đóng góp xây dựng quỹ “Mái ấm công đoàn và trợ vốn cho CNVCLĐ nghèo” trên 6,750 tỷ đồng, xét hỗ trợ cho 2.638 lượt hộ CNVCLĐ nghèo với số vốn trên 10,6 tỷ đồng, để chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ xây dựng mới 120 nhà “Mái ấm công đoàn” và sửa chữa 06 căn cho hộ gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với tổng nguồn kinh phí 1.169,5 triệu đồng. Vận động CNVCLĐ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, như đóng góp các loại quỹ: Đền ơn đáp nghĩa; Vì người nghèo và an sinh xã hội; Bảo trợ trẻ em nghèo; Khuyến học; chất độc Màu da cam – Dioxin; nhắn tin ủng hộ ngư dân Hoàng Sa và Trường Sa; tổ chức khám, điều trị bệnh ngoại viện, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, hộ nghèo, ngư dân vùng biển và công nhân lao động nghèo… với số tiền hàng tỷ đồng; góp hàng chục ngàn ngày công lao động để xây dựng, sửa chữa nhà tình thương, tình nghĩa cho gia đình chính sách, gia đình CNVCLĐ nghèo, làm đường, xây dựng cầu, mở rộng giao thông nông thôn, phát hoang bụi rậm, trồng cây xanh, hoa kiểng, vệ sinh môi trường… theo tinh thần Nghị quyết số 01, 02 của Tỉnh ủy Bạc Liêu khóa XIV, gắn với xây dựng nông thôn mới theo chương trình, mục tiêu quốc gia.

Công tác tuyên truyền giáo dục đoàn viên, CNVCLĐ góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh:

Các cấp công đoàn trong tỉnh đã bám sát vào các nghị quyết của Trung ương (khóa X, khóa XI), các nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIII, khóa XIV), nghị quyết của công đoàn các cấp, các chính sách, pháp luật của nhà nước và các sự kiện chính trị lịch sử trọng đại của đất nước, của tỉnh nhà, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức triển khai, tuyên truyền học tập, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Đặc biệt là, tổ chức cho CNVCLĐ học tập, quán triệt và thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20 của Đảng về “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổ chức 14 lớp tập huấn cho 2.460 cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ học tập và 2.843 đợt sinh hoạt chính trị cho 107.817 lượt CNVCLĐ quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng và các chương trình hành động của Tỉnh ủy, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Bạc Liêu về thực hiện Nghị quyết 20.

Tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; đăng ký không tham gia vào các tệ nạn xã hội; gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông và trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền pháp luật về biển đảo, về Luật biển Việt Nam; ủng hộ và hưởng ứng tích cực thực hiện cuộc vận động “Tấm lưới nghĩa tình vì Hoàng Sa và Trường Sa”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; cuộc vận động thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng thực hiện phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh công nhận 981/1.010 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, chiếm 97,13%; các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong CNVCLĐ những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong CNVCLĐ.

Công tác tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là tập trung vào việc vận động CNVCLĐ tham gia ý kiến đóng góp vào các văn kiện Đại hội Đảng các cấp; các dự thảo luật, nhất là Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ CNVCLĐ; tham gia thực hiện cải cách hành chính, thực hiện cuộc vận động phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, gây phiền hà sách nhiễu nhân dân và các cuộc vận động lớn khác của Đảng, nhà nước và của Công đoàn Việt Nam; giới thiệu 5.716 đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp, kết quả được kết nạp vào Đảng là 4.522 đồng chí; tham gia giới thiệu những cán bộ ưu tú để Đảng chăm bồi, bố trí vào cấp ủy và bộ máy lãnh đạo chính quyền các cấp.

 Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bạc Liêu thực hiện chuyên mục, chuyên trang “Lao động và Công đoàn” định kỳ hàng tháng, nhằm giúp cho cán bộ công đoàn, CNVCLĐ tìm hiểu sâu sát hơn về phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn tỉnh nhà trong thời kỳ mới. Nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn đã triển khai tuyên truyền, học tập được 39.237 cuộc, với số lượng 2.354.235 lượt CNVCLĐ dự, bình quân 15 lượt/người/năm, vượt chỉ tiêu đề ra.

Về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước:

Trong những năm qua, Công đoàn Bạc Liêu thường xuyên tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, nhằm chào mừng các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh nhà và hoạt động “Tháng công nhân”. Trọng tâm là các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp – phát triển nông thôn theo hướng bền vững, với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm”, gắn với phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào học tập nâng cao trình độ về mọi mặt đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; phong trào thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác; phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, văn minh, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, gắn với thực hiện công trình, sản phẩm, phần việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 5 năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đăng ký và thực hiện 18.900 công trình, sản phẩm, phần việc, trên 14.000 sáng kiến  và thực hiện 159 đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội mang tính nhân văn sâu sắc. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của tổ chức công đoàn. Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc được Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh… tặng nhiều cờ thi đua, bằng khen và các danh hiệu thi đua của nhà nước, của công đoàn, đặc biệt là Liên đoàn Lao động tỉnh được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Nhất.

Số lượt xem: 371

Nguồn: Liên đoàn Lao động tỉnh Bạc Liêu

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh
CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Ông Huỳnh Nguyễn Trúc Linh - Phó Chủ tịch Thường trực
Địa chỉ: Số 70, đường Trần Huỳnh, Phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.824098. Fax: 02913.828271