Liên kết web
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Nữ CNVCLĐ tỉnh Bạc Liêu với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Công tác nữ công
Thứ sáu, 29/05/2020, 16:56
Màu chữ Cỡ chữ
Nữ CNVCLĐ tỉnh Bạc Liêu với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, các tầng lớp phụ nữ trên khắp hành tinh lại long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3…. 106 năm trôi qua, Ngày 8/3 đã đi vào lịch sử nhân loại, là biểu tượng cho sự đoàn kết của phụ nữ trên thế giới trong cuộc đấu tranh dành quyền bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chống lại sự kỳ thị phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em. Có thể nói, trải qua nhiều thập niên, ý nghĩa chính trị của sự kiện mang tầm cỡ thế giới này vẫn còn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử xã hội – đó là dịp để nam giới bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến phụ nữ, trước hết là những người phụ nữ mình thương quý và đây cũng là cơ hội để phụ nữ tự khẳng định cái nết đảm đang, chịu thương, chịu khó và cái đẹp duyên dáng của bản thân mình.

 

Trong Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, chắc chắn không có phụ nữ Việt Nam nào bãi công, bãi thị, xuống đường đấu tranh đòi tăng lương cho ngang bằng với nam giới. Trong Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 của nhiều năm gần đây, số đông phụ nữ Việt Nam đã được cộng đồng, đồng nghiệp và người thân của mình chăm sóc chu đáo, ân cần, được nhận những nụ cười âu yếm, có khi được tặng một món quà vừa ý, một đóa hoa tươi, hay ít nhất là một lời chúc tốt đẹp nhất. Sự đổi thay từ ý nghĩa chính trị sang ý nghĩa xã hội như vậy là phù hợp với quy luật cuộc sống và cũng là kết quả của nhiều năm tháng phụ nữ thế giới đoàn kết đấu tranh đòi quyền bình đẳng trong lao động nói chung và trong chính trị nói riêng.

 Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đầy ý nghĩa: Ngày Quốc tế Phụ nữ  8/3 cũng là dịp Phụ nữ Việt Nam kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ tướng anh hùng đầu tiên của dân tộc đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm, dành lại giang sơn cho đất nước. Tấm gương kiên trung của Hai Bà đã trở thành biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam, là nền tảng để hun đúc truyền thống yêu nước nồng nàn cho phụ nữ Việt Nam “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã mang theo hào khí bất khuất, dũng cảm của Hai Bà, sát cánh cùng nhân dân cả nước làm nên truyền thống vẻ vang của dân tộc; lập nên biết bao kỳ tích, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chấn hưng, trường tồn của đất nước.

Phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh tiếp tục cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, làm nên những bản hùng ca bất diệt từ phong trào phụ nữ 3 đảm đang của các tầng lớp phụ nữ miền Bắc, đến đội quân tóc dài – một binh chủng đặc biệt của phụ nữ ở miền Nam đã xứng đáng với tám chữ vàng Bác Hồ trao tặng cho phụ nữ Việt nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Có thể khẳng định rằng: Đảng, nhà nước và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn quan tâm sâu sắc đến công tác phụ nữ và trẻ em, thể hiện qua các Nghị quyết Đại hội của Đảng, các chương trình, kế hoạch, đề án của Chính phủ và của Công đoàn Việt Nam về các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ như: Nghị quyết số 11 của Bộ chính trị ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Bộ Luật lao động năm 2012, chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020; hoặc Công đoàn Việt Nam có Nghị quyết 4C ngày 05/01/1996 của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam (khóa VII) về công tác vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới và hơn 20 năm chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ ….đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ nói chung và nữ CNVCLĐ tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Hoà trong dòng chảy của lòng yêu nước nồng nàn, phát huy tinh thần đấu tranh bất khuất, tình nhân ái bao la, tính cần cù, đảm đang, trung hậu của người phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, luôn được Đảng, nhà nước và nhân dân tự hào, tin yêu giao nhiều trọng trách quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Những năm qua, cùng với sự phát triển của tỉnh, phong trào phụ nữ  có bước chuyển biến mạnh mẽ, các tầng lớp phụ nữ đã phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh; đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ nói chung, nữ cán bộ CNVCLĐ nói riêng không ngừng được cải thiện; vai trò, vị thế của phụ nữ được khẳng định; bình đẳng giới có những tiến bộ rõ nét. Tiềm năng to lớn và những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Bạc Liêu đã được phát huy qua việc thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm và phong trào thi đua: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ,  hạnh phúc”,gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đặc biệt, qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Bạc Liêu lần thứ IX và gần nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu, Ban nữ công Công đoàn các cấp đã thực hiện phương châm “hướng mạnh về cơ sở”; chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ Nữ công, ban Nữ công quần chúng ở cơ sở; từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt nữ công... Điểm mới và nổi bật mà các Ban Nữ công, tổ Nữ công đã làm rất thành công trong nửa nhiệm kỳ qua, đó là việc phát động nữ cán bộ, CNVCLĐ hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”gắn với phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp – phát triển nông thôn theo hướng bền vững, gắn với “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào: “Xanh –Sạch – Đẹp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và bảo vệ môi trường”; vận động nữ đoàn viên Công đoàn “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, chăm lo thiết thực đời sống, sức khỏe cho phụ nữ, đồng thời tuyên truyền vận động chị em phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần tự chủ, đoàn kết, khắc phục tâm lý tự ti, an phận, vượt khó vươn lên; nâng cao ý thức và năng lực làm chủ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ban nữ công Công đoàn các cấp đã nhanh chóng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng các mô hình tập hợp nữ đoàn viên phù hợp để đảm bảo “Đông về số, mạnh về chất”, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh nhà, góp phần vào việc thực hiện đạt và vượt các chi tiêu Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh đề ra...

Đặc biệt, sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, Công đoàn Bạc Liêu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đến công tác nữ công. Luôn duy trì và phát huy có hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đây là phong trào hoạt động xuyên suốt của công tác Nữ công, là phong trào thi đua mang đặc thù giới của các cấp Công đoàn. Căn cứ vào các văn bản của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp Công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã hướng dẫn việc triển khai phong trào sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Từng địa phương, đơn vị đã cụ thể hóa tên gọi, xây dựng nội dung phong trào, từ đó phát động trong toàn ngành, địa phương nhằm động viên nữ CNVCLĐ hăng hái tham gia như: Ngành Giáo dục với tên gọi: "Giỏi việc trường, đảm việc nhà", ngành Ngân hàng với tên gọi: "Giỏi việc Ngân hàng, đảm việc nhà", các CĐCS với phong trào "Vượt khó, học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"... Kết quả: 5 năm (2010 – 2014) có 54.869 lượt chị đăng ký đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; có 51.127 lượt chị đạt danh hiệu nữ hai giỏi một năm; có 9.405 chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” 5 năm liền; Có 13 chị được nhận Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã có 837 lượt tập thể ; 2.982 lượt cá nhân được tặng thưởng bằng khen các cấp; có 04 tập thể và 05 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”;  Trong dịp sơ kết phong trào nữ Hai giỏi giai đoạn 2010 - 2015, Liên đoàn Lao động tỉnh  tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 15 cá nhân; đề nghị UBND tỉnh khen thưởng 05 tập thể, 10 cá nhân; các công đoàn cơ sở tặng Giấy khen cho 327 tập thể và 2.720 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” 5 năm.

Để có được kết quả trên, là điều không đơn giản nếu không có tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu, nỗ lực thi đua của từng tập thể cũng như của từng cán bộ, đoàn viên; đặc biệt là sự lãnh đạo hỗ trợ tận tình của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể cùng cấp. Sự vận dụng một cách sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, Pháp luật Nhà nước đối với công tác vận động nữ CNVCLĐ vào thực tiễn sinh động của phong trào phụ nữ thời gian qua đã tạo nên những kết quả nhất định, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của tỉnh nhà và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của chị, em nữ CNVCLĐ trong gia đình và ngoài xã hội. Những thay đổi sâu sắc ấy là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu kiên trì, bền bỉ, vượt lên những khó khăn của cuộc sống đời thường, vượt lên định kiến giới để khẳng định mình; Đây là kết quả từ sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao trong hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới của các cấp Công đoàn. Là thành quả từ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của  Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu và Ban Dân vận Tỉnh ủy , luôn coi công tác vận động tập hợp phụ nữ nói chung, nữ CNVCLĐ nói riêng là nhân tố quan trọng, góp phần quyết định thành công công tác vận động quần chúng của Đảng. Từ đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã tạo mọi điều kiện để Ban Nữ công, tổ Nữ công Công đoàn các cấp hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của mình, thật sự trở thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, công tác vận động nữ CNVCLĐ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Công tác vận động nữ CNVCLĐ có nơi, có lúc chưa được quan tâm thỏa đáng. Việc tham gia với chính quyền, chuyên môn đồng cấp nhằm cải thiện điều kiện làm việc, lao động, đời sống, tiền lương, bảo hiểm xã hội, nhà ở, đời sống tinh thần nữ CNVCLĐ còn có những hạn chế nhất định, một bộ phận nữ còn biểu hiện tự ti, an phận, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên.

- Phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ phát triển chưa đồng đều, có nơi, có lúc chưa đi vào chiều sâu, hoạt động chưa rộng khắp, tổ chức còn hình thức, tỷ lệ lao động nữ trực tiếp sản xuất được khen thưởng còn ít so với yêu cầu, một số CĐCS chưa nhận thức đầy đủ về bình đẳng giới, về ý nghĩa, mục đích của phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ….

Năm 2016LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2016 – 2020 và thực hiện Nghị quyết 6b/TLĐ ngày 29/01/2011 của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác vận động nữ CNVCLĐ; “Tiếp tục thực hiện chiến lược Quốc gia về Bình đẳng Giới” giai đoạn 2011 – 2020. Đặc biệt là năm bản lề triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV; năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và là năm diễn ra đại hội Đại biểu phụ nữ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn Quốc lần thứ XII…. Để các chương trình được triển khai có hiệu quả và đi vào cuộc sống, mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng thực hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, tạo nên sự đồng thuận mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân; thành quả của các phong trào đem lại chính là sản phẩm tinh thần quý giá mà mỗi người, mỗi nhà  đều được thụ hưởng. Do đó, Ban nữ công, tổ Nữ công Công đoàn các cấp sẽ gắn việc triển khai thực hiện các phong trào của Giới với thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác Nữ công và các nhiệm vụ chuyên môn năm 2016 của đơn vị.

 

Nữ CNVCLĐ huyện Vĩnh Lợi nhận quà tặng của Huyện ủy, HĐND-UBND huyện nhân buổi họp mặt Quốc tế Phụ nữ 8/3

Nữ CNVCLĐ huyện Vĩnh Lợi nhận quà tặng của Huyện ủy, HĐND-UBND huyện
nhân buổi họp mặt Quốc tế Phụ nữ 8/3

Số lượt xem: 622

Thanh Hằng

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh
CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Ông Huỳnh Nguyễn Trúc Linh - Phó Chủ tịch Thường trực
Địa chỉ: Số 70, đường Trần Huỳnh, Phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.824098. Fax: 02913.828271