Một số kết quả sau 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp công đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp với chuyên môn, chính quyền cùng cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động, triển khai thực hiện cuộc vận động với các khẩu hiệu như: Dùng hàng Việt Nam là yêu nước; Sử dụng hàng Việt là nét đẹp văn hóa; Tuần hàng Việt; Tháng hàng Việt; Người tiêu dùng thông thái;… Đồng thời gắn với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Trong 5 năm triển khai cuộc vận động (2009 – 2014) đã có 100% các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng hàng Việt Nam. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các ngành, địa phương, qua 5 năm thực hiện cuộc vận động, các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 53.215 cuộc tuyên truyền, tập huấn, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt Nam tới tay người tiêu dùng, đã có trên 5 triệu lượt đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia. Tiêu biểu như: Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức gian hàng ngoài trời, chuyến hàng cứu trợ, các điểm bán hàng lưu động, “Tuần lễ vàng giảm giá, khuyến mại”, bán hàng bình ổn giá cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 16.068 cuộc tuyên truyền, 902 cuộc thi đã thu hút cho trên 1 triệu công nhân, viên chức, lao động tham gia, tổ chức 3.780 cuộc bán hàng bình ổn giá, 75 hội chợ bán hàng giảm giá với sự tham gia của 2.310 gian hàng, phục vụ cho trên 281 nghìn đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và nhân dân trên địa bàn tham quan và mua sắm; Quảng Bình phối hợp tổ chức 7.425 cuộc tuyên truyền cho trên 370 nghìn công nhân, viên chức, lao động; Nghệ An tổ chức 1.560 buổi tuyên truyền thu hút gần 45 nghìn công nhân, viên chức, lao động tham gia; Bình Dương tuyên truyền cho trên 85 nghìn công nhân, viên chức, lao động tham gia và Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 20 lớp tập huấn cho trên 2.300 nữ công nhânm viên chức, lao động; Phú Yên tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ nữ công nhân, lao động với chủ đề “Phụ nữ với hàng hóa Việt”; Công thương đã có trên 200.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng, làm lợi cho doanh nghiệp trên 40 tỷ đồng;...
Các cấp công đoàn đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thực hiện cuộc vận động với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực như: Lồng ghép vào các hội nghị, tập huấn, sinh hoạt tổ công đoàn, nói chuyện chuyên đề, in băng zon, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp,… Tham mưu xây dựng cơ chế khuyến khích và kiểm soát việc chi tiêu, mua sắm công, áp dụng trong các cơ quan quản lý nhà nước, động viên khuyến khích đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tiêu dùng hàng hoá Việt Nam. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình qua đó nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thực hiện tốt cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và kinh doanh đã tích cực áp dụng, đổi mới công tác quản lý, nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tạo sự phong phú đa dạng về mẫu mã cho sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất để giảm giá thành, chú trọng quảng bá sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa. Đây là dịp để các doanh nghiệp khẳng định vai trò, trách nhiệm và năng lực sản xuất kinh doanh của mình với người tiêu dùng thông qua chất lượng, uy tín thương hiệu của sản phẩm. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp trong nước ngày càng có chất lượng cao, giá cả phù hợp hơn, góp phần quan trọng cho hàng Việt Nam từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Các cấp công đoàn đã phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài hệ thống công đoàn xây dựng chuyên trang, chuyên mục, thường xuyên đưa tin bài phản ánh tình hình, kết quả thực hiện Cuộc vận động ở các địa phương, ngành, đơn vị, doanh nghiệp; truyền tải thông tin, tuyên truyền sâu rộng về nội dung, ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng cuộc vận động; biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động; … với trên 70 tạp chí, bản tin, hàng chục trang thông tin điện tử của các cấp công đoàn và trên 60 chương trình phát thanh, truyền hình phối hợp đã có hàng vạn tin, bài tuyên truyền về cuộc vận động này. Đây là những hình thức tuyên truyền có hiệu quả cao, thể hiện tính dân chủ và cũng là diễn đàn quảng bá sản phẩm Việt, thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong việc tham quan, mua sắm hàng Việt góp phần thực hiện cuộc vận động có hiệu quả.
Đặc biệt, trong dịp triển khai, hưởng ứng Tháng Công nhân (tháng 5 hàng năm), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các chương trình truyền thông tư vấn sức khỏe, tổ chức các hoạt động chung tay vì công nhân, viên chức như: Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã có 135 doanh nghiệp tổ chức 210 gian hàng bình ổn giá phục vụ cho hơn 200 nghìn công nhân, viên chức, lao động tham gia mua sắm; Phú Thọ phối hợp tổ chức phiên chợ hàng Việt phục vụ công nhân, lao động, thu hút trên 3.000 lượt người tham gia mua sắm;….
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động vẫn còn một số tồn tại các cấp, ngành cần khắc phục: Như việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối vẫn chưa thực sự đạt kết quả cao; một số doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn còn theo phong trào, chưa có chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu; cuộc vận động từng lúc từng nơi chưa thực hiện thường xuyên, chưa tạo phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam rộng khắp; việc tổ chức đưa hàng Việt Nam về nông thôn chưa có sự kết nối giữa doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn nên chưa đa dạng hình thức...; công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá sản phẩm chưa được chú trọng; tiến hành rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xúc tiến thương mại. Trong khi đó việc ngăn chặn đấu tranh với tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, giá rẻ chưa được ngăn chặn thường xuyên, vẫn tiếp tục gây khó khăn, hại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và người tiêu dùng…
Cuộc vận động tiếp tục có sự lan tỏa trong các cấp, các ngành và trong tầng lớp nhân dân, từng bước tạo cho người dân có những nhận thức và thói quen đi mua sắm hàng nội có chất lượng cao, giá thành hợp lý. Để hàng Việt trụ vững trên thị trường trong những năm tiếp theo, bên cạnh việc chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng, cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp trong Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% , như: Chương trình hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên cả nước; Chương trình xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi ”Tự hào hàng Việt Nam”; Chương trình xây dựng Kho phân phối hàng Việt Nam tại địa bàn nông thôn; Chương trình tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.
Mạnh Hòa